top of page

Ratio Decidendi Trong Án Lệ Anh Và Các Gợi Mở Cho Pháp Luật Việt Nam

  • Writer: Hien
    Hien
  • Jun 12, 2023
  • 10 min read

Updated: Apr 24, 2024

Trịnh Thục Hiền và Nguyễn Ngọc Thứ, ‘Ratio Decidendi Trong Án Lệ Anh và Các Gợi Mở Cho Pháp Luật Việt Nam’ (2023) 04(164) Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam 76


Chúng tôi trân trọng cám ơn PGS. TS. Trần Việt Dũng đã đọc và góp ý cho bản thảo. Mọi sai sót thuộc về cá nhân các tác giả.


Tóm tắt:

Đối với mọi hệ thống pháp luật công nhận án lệ, bất kể sự khác biệt trong quá trình hình thành và hình thức biểu hiện của án lệ ở mỗi nơi, tình tiết cốt lõi của tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong lập luận pháp lý của một bản án, có ảnh hưởng tới phán quyết của tòa án. Bài viết này sẽ nghiên cứu cách tiếp cận của pháp luật Anh về ratio decidendi và so sánh với án lệ ở Việt Nam. Từ đó, việc xác định tình tiết cốt lõi của vụ án và phép suy luận tương tự được coi là trọng tâm của án lệ.

Từ khoá: ratio decidendi, án lệ, tiền lệ, thông luật


Abstract:

In any jurisdiction recognising case law, despite the differences in how precedents are established and what forms they have, material facts in a dispute play a crucial role in a court's argument and make up the court's decision. The present paper discusses the principle of ratio decidendi in English common law and compares it with Vietnamese precedents. In conclusion, determining material facts of a case and analogy reasoning are argued to be at the heart of case law.

Keyword: ratio decidendi, case law, precedent, common law



Phần bổ sung: Sự phát triển của học thuyết (doctrine) trong thông luật Anh và vai trò của các lập luận trong bản án đối với việc xác định tình tiết cốt lõi: trường hợp của tiền lệ Rylands v Fletcher

(Do giới hạn số từ của bài báo khoa học, phần thảo luận chi tiết này được lược bỏ trong bài viết. Những đoạn có chữ màu xanh được công bố chính thức và những đoạn có chữ màu đen bị lược bỏ)


1. Công thức của Goodhart để xác định ratio decidendi

Giáo sư Goodhart đã dùng bản án Rylands v Fletcher[1] để giải thích cho công thức xác định ratio decidendi của mình bằng cách chỉ ra các tình tiết cốt lõi đóng vai trò tiên quyết như thế nào để toà án đi đến quyết định giải quyết tranh chấp. Vụ Rylands v Fletcher đặt ra học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt đối với chủ sở hữu đất nếu để thoát ra ngoài vật thể nguy hiểm gây thiệt hại cho người khác. Tình tiết của vụ án này được tóm tắt như sau. Bị đơn là chủ một khu đất đã thuê một nhà thầu đến để làm một bể chứa nước trên đất của mình. Nhà thầu trong quá trình thi công không phát hiện ra các mạch mỏ cũ để lấp lại. Do đó nước theo các mạch mỏ thoát ra ngoài bể chứa và làm ngập lụt khu mỏ bên cạnh của nguyên đơn. Nguyên tắc pháp lý được ghi nhận lại là:

“Một người vì mục đích riêng mang đến khu đất của mình, thu thập và giữ trên đó bất kỳ thứ gì có khả năng gây ra rắc rối nếu nó thoát ra, phải trông giữ nó với mọi rủi ro thuộc về mình, và nếu người này không làm như vậy, thì được coi là phải bồi thường thiệt hại cho các hậu quả tự nhiên của sự thoát ra đó.”[2]

Goodhart đã phân tích vụ việc này bằng cách tóm tắt các tình tiết và phân tích chúng thành tình tiết cốt lõi và tình tiết không cốt lõi để đi đến ratio decidendi:

“Tình tiết của vụ việc

Tình tiết I. D có một bể chứa nước xây dựng trên đất của mình

Tình tiết II. Nhà thầu xây dựng bể chứa đã tắc trách (negligent)

Tình tiết III. Nước thoát ra và gây thiệt hại cho P

Kết luận. D phải chịu trách nhiệm với P”[3]

Tình tiết II là tình tiết không cốt lõi vì toà án đã bỏ qua nó trong lập luận và kết luận của mình như trong nguyên tắc pháp lý được trích nguyên văn ở trên. Goodhart cho rằng trong những vụ việc tiếp theo, nếu có đủ ba tình tiết hoặc chỉ tình tiết I và III thì vụ Rylands v Fletcher là tiền lệ ràng buộc áp dụng trực tiếp; nhưng nếu vụ việc tiếp theo lại có thêm một hoặc nhiều tình tiết cốt lõi khác thì vụ Rylands v Fletcher mất đi hiệu lực ràng buộc.[4]

Các toà án sau vụ Rylands v Fletcher, khi phải đối diện với yêu cầu áp dụng nguyên tắc pháp lý trong vụ án này, đã tiếp tục hoàn thiện học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt của chủ sở hữu đất. Học thuyết được bổ sung bằng các án phân biệt với vụ Rylands v Fletcher, cho thấy những trường hợp bị đơn không bị buộc bồi thường thiệt hại. Hai vụ án sau đây nằm trong hàng trăm tiền lệ hoàn chỉnh học thuyết từ Rylands v Fletcher, là những ví dụ cho thấy tầm quan trọng của tình tiết trong án lệ Anh. Trong vụ Nichols v Marsland[5] , bị đơn đã chuyển dòng suối tự nhiên trên đất của mình thành một hồ cảnh quan. Mưa lớn làm cho hồ nhân tạo đó bị tràn nước và làm hư hại khu đất liền kề. Ở đây mặc dù có tình tiết I và III như trong vụ Rylands v Fletcher, nhưng lại có một tình tiết khác được toà án coi là cốt lõi, đó là nước thoát ra do thiên tai. Trong vụ Pontardawe RDC v Moore-Gwyn[6] , một số tảng đá trên đất của bị đơn đã rơi xuống khu đất của nguyên đơn. Tình tiết vụ này phân biệt với vụ Rylands v Fletcher ở chỗ bị đơn không mang đá vào khu đất của mình mà chúng tồn tại tự nhiên trên đất; trong khi đó, sự hiện diện của hồ chứa nước trong vụ Rylands v Fletcher là do sự tác động của bị đơn.

Nhìn ratio decidendi từ tình tiết của vụ án có lẽ là cách tiếp cận thực tế nhất và cũng sát với thực tiễn của tư pháp Anh nói riêng và của các nước theo truyền thống thông luật nói chung. Các thẩm phán khi nghiên cứu tiền lệ, cho dù là tiền lệ có tính bắt buộc hay tính hướng dẫn, đều có xu hướng so sánh tình tiết của tiền lệ với tình tiết trong vụ việc mình đang giải quyết. Toà án sẽ áp dụng tiền lệ khi vụ án mình giải quyết có các tình tiết tương tự với tình tiết cốt lõi của tiền lệ. Nếu vụ án đang giải quyết lại có thêm tình tiết cốt lõi khác với tình tiết cốt lõi trong tiền lệ thì thẩm phán sẽ không áp dụng tiền lệ. Lúc này, thẩm phán sẽ kết luận rằng vụ việc mình đang giải quyết có sự phân biệt (distinguished) với tiền lệ nào đó để tránh đi tính ràng buộc. Ở khía cạnh khác, các bản án phân biệt này lại phát triển thêm học thuyết xác lập ở tiền lệ trước đó bằng các phân tích và nhận định tạo ra các ngoại lệ, qua đó làm rõ hơn phạm vi áp dụng của tiền lệ và bản thân lại trở thành một tiền lệ mới.

[1] Rylands v Fletcher (1868) LR 3 HL. [2] tlđd, tr. 340. [3] Arthur L. Goodhart, tlđd, tr. 17-8. [4] tlđd, tr. 23-4. [5] Nichols v Marsland (1876) 2 ExD 1. [6] Pontardawe RDC v Moore-Gwyn [1929] 1 Ch 656.


2. Vai trò của nhận định của thẩm phán trong việc xác định ratio decidendi

Tiếp tục phân tích vụ Rylands v Fletcher như một ví dụ. Hai thẩm phán ở Viện Nguyên lão, dù có mô tả lại tranh chấp với các tình tiết liên quan đến hành vi chuyên nghiệp của nhà thầu xây dựng bể chứa nước, khi nhận định để đi đến kết luận, họ dường như bỏ qua tình tiết này. Và đấy là lý do mà khi xác lập học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt đối với chủ đất khi họ để thoát ra khỏi đất mình những vật nguy hiểm gây thiệt hại cho khu đất bên cạnh, thì lỗi của người chủ đất không phải là điều kiện bắt buộc phải xem xét.

Đối với tình tiết cốt lõi là người chủ đất cho làm một bể chứa nước trên đất của mình, rất nhiều bản án sau này không áp dụng án lệ Rylands v Fletcher dựa trên cơ sở sự phân biệt giữa sử dụng không tự nhiên như trong tiền lệ này và sử dụng tự nhiên. “Người sử dụng đất tự nhiên” (natural user of that land) là cách mà Lord Cairns ở Viện Nguyên lão mô tả người chủ đất trong trường hợp nước được thu gom lại trên bề mặt hoặc dưới đất bởi các quy luật tự nhiên cũng như chúng thoát ra cũng theo quy luật ấy sang khu đất cận kề. Lúc này, nguyên đơn không thể đòi hỏi bị đơn phải bồi thường. Và ông lập luận rằng việc xây dựng bể chứa và dẫn nước vào trên đất đó là việc sử dụng đất không tự nhiên, nên người chủ đất phải chịu mọi rủi ro.[1] Các lập luận như vậy dẫn đến việc người chủ đất cho xây dựng bể chứa nước trên đất là tình tiết cốt lõi. Cho nên, trong vụ Pontardawe RDC v Moore-Gwyn, việc các hòn đá lăn từ khu đất này sang khu đất liền kề gây thiệt hại trở thành tình tiết phân biệt với vụ Rylands v Fletcher trên cơ sở sự phân biệt giữa sử dụng đất tự nhiên và không tự nhiên. Cần lưu ý là sự phân biệt này không hề đơn giản và thậm chí được coi là một câu hỏi về tình tiết nhiều hơn để các toà án sau này có điều kiện để đưa vào các lập luận của mình những xem xét đến tình hình kinh tế - xã hội chiếm lĩnh vào thời điểm và địa điểm nhất định, cũng như tự chủ đưa ra các kết luận của mình.[2] Một ví dụ khác để làm sáng tỏ hơn điểm này là vụ Transco plc v Stockport Metropolitan Borough Council[3]. Trong vụ này, bị đơn chịu trách nhiệm vận hành đường ống cung cấp nước cho một khu căn hộ. Đường ống bị rò rỉ nước trong một thời gian mà không được phát hiện dẫn đến nước tụ lại ở một bờ kè và làm nó bị sập khiến trụ dẫn khí ga bị lộ ra ngoài gây ra các nguy cơ tiềm ẩn đến sức khoẻ con người. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn khắc phục hậu quả nhưng yêu cầu này bị toà án bác bỏ. Bị đơn không được coi là người sử dụng đất không tự nhiên, do vậy và nguyên tắc pháp lý của vụ Rylands v Fletcher không áp dụng được. Lord Bingham trong vụ này lập luận rằng:

“người sử dụng bình thường là phép thử thích hợp hơn người sử dụng tự nhiên, để làm rõ rằng quy tắc trong Rylands v Fletcher chỉ liên quan đến khi việc sử dụng của bị đơn được chứng minh là bất thường và không thường xuyên.”

Đáng chú ý là Lord Bingham đã chủ động biến nhận định của mình thành một câu hỏi về tình tiết để tránh nó trở thành một ratio decidendi ràng buộc sau này khi nhấn mạnh rằng để xác định thế nào là người sử dụng bình thường thì các tình tiết cụ thể sẽ quyết định.

Rõ ràng nhận định của thẩm phán đóng một vai trò quan trọng và không thể tách rời đối với việc xác định ratio decidendi của bản án. Tuy nhiên, ratio decidendi không thể được coi là quy tắc pháp lý mang tính khái quát có sẵn trong bản án. Ratio decidendi tồn tại ở trong các tình tiết cốt lõi cùng với giải pháp toà án đưa ra để giải quyết tranh chấp dựa trên các tình tiết cốt lõi đó. Chẳng hạn như việc áp dụng vụ Rylands v Fletcher cho những vụ việc khác khi vật nguy hiểm thoát ra ngoài không phải là nước, người thẩm phán phải sử dụng đến phép suy luận tương tự (analogy reasoning). Phép suy luận tương tự tìm kiếm các đặc điểm chung giữa các tình tiết cụ thể trong các bản án khác nhau. Khi tình tiết của tiền lệ và của vụ việc cùng chia sẻ một hoặc nhiều đặc điểm chung thì có thể đi đến kết luận là tiền lệ có hiệu lực ràng buộc. Tiếp theo, toà án sẽ áp dụng giải pháp của tiền lệ để giải quyết tranh chấp. Cũng có khi toà án xây dựng quy tắc pháp lý khái quát từ tiền lệ rồi sử dụng phép suy luận diễn dịch tam đoạn luận để áp dụng giải pháp trong tiền lệ cho vụ việc của mình.[4]

Như vậy, suy luận logic không phải là phép suy luận chiếm ưu thế trong thông luật. Các thẩm phán thông luật còn sử dụng các hình thức suy luận khác trong văn hoá pháp lý của họ, trong đó có phép suy luận tương tự bao gồm cả kỹ thuật phân biệt để chỉ ra các ngoại lệ như đã phân tích ở trên. Áp dụng tiền lệ tức là gắn liền với suy luận tương tự.[5]

Vì thế, cách tiếp cận của Goodhart tỏ ra hợp lý hơn khi trực tiếp chỉ ra phần ràng buộc của bản án là các tình tiết cốt lõi và giải pháp của toà án, đồng thời coi nhận định có vai trò phần bổ trợ.

[1] Rylands v Fletcher (n 19) tr. 338-9. [2] Tony Weird, A Casebook on Tort (tái bản lần thứ bảy), Sweet&Maxwell, 1992, tr. 338. [3] Transco plc v Stockport Metropolitan Borough Council [2004] 2 AC 1. [4] Xem thêm về cách thức tạo lập quy tắc xử sự chung từ bản án bằng suy luận quy nạp trong Trịnh Thục Hiền, ‘Án Lệ Việt Nam: Một Biến Thể Của Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật?’ (2019) 5(373) Nhà nước và Pháp luật 3, tr. 6-8. [5] Kenneth J. Vandevelde, Thinking Like a Lawyer (tái bản lần thứ hai), Westview Press, 2011, tr. 115-6; Micheal Evan Gold, A Primer on Legal Reasoning, ILR Press 2018, tr. 155.

Recent Posts

See All

Comments


Join my mailing list

Thanks for submitting!

bottom of page